Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

8 thói quen lau dọn nhà ai cũng nên biết nếu không muốn mệt bở hơi tai

Không phải chỉ dọn nhà khi cuối tuần hoặc khi hết năm, hãy dọn nhà hàng ngày để nhà luôn sạch sẽ và đỡ mệt mỗi khi bạn tổng vệ sinh cả nhà sau một thời gian.

Hãy thử tưởng tượng như thế này: bạn phải mất cả ngày để dọn nhà chỉ vì cách sắp xếp công việc của bạn không hợp lý. Nhưng những nhân viên vệ sinh chuyên đi dọn dẹp nhà cửa sẽ luôn có những mẹo để nhà luôn sạch bong mà không mất sức cũng như tốn thời gian. Họ sẽ chọn việc mà họ cho là quan trọng nhất cần làm trong ngày, và những việc cần làm hàng ngày để giữ nhà được sạch sẽ.
Bỏ rác
Bạn nên loại bỏ thức ăn còn trong tủ lạnh và ném đi những đồ ăn mà gia đình bạn không còn tiếp tục ăn nữa. Buổi sáng chính là thời gian hoàn hảo để làm việc này. Vì bạn có thể bỏ rác ra khỏi nhà từ sáng, và tủ lạnh sẽ không bị ám mùi thức ăn cũ cả ngày nữa.
Bồn rửa

Dọn bồn rửa sau mỗi lần sử dụng. Điều này có thể khiến bạn nghĩ rằng thật mất thời gian và không cần thiết. Nhưng thực tế, bạn nên dọn bồn rửa ít nhất một lần mỗi ngày. Bạn sẽ thấy có một sự khác biệt lớn khi bạn thực hiện được điều này. Vì nếu bạn không dọn bồn rửa mỗi ngày, kem đánh răng, xà phòng, đồ trang điểm...đều sẽ đóng cặn và bám vào bồn rửa khiến cho phòng tắm nhà bạn trông thật bẩn.
Tường nhà tắm
Nếu bạn đang dọn sàn nhà tắm, đừng quên dùng chổi quét qua tường để ngăn chặn những nấm mốc. Điều này sẽ giúp phòng tắm trông như mới mà không cần phải chà mạnh mỗi lần. Chỉ mất vài phút ngắn ngủi mỗi lần nhưng sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức hơn.
Ấm trà/cafe
Bạn có thể sẽ phải tiếp xúc với tay cầm của ấm pha cafe hay trà ít nhất một lần một ngày, tùy thuộc vào việc bạn uống bao nhiêu tách - vì thế chẳng còn gì lạ khi ấm bị bám bẩn. Bạn có biết ấm trà và ấm cà phê ở văn phòng hay ở nhà có thể là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất không? Chính vì vậy hãy đừng chỉ chú ý cọ rửa bên trong ấm, mà cần phải cọ rửa cả bên ngoài nữa.
Hãy thường xuyên lau dọn khu vực khiến bạn khó chịu nhất
Hãy tự hỏi bản thân bạn: nếu bạn vắng nhà trong 2 tuần, bạn sẽ ghét phải làm sạch khu vực nào nhất khi trở về nhà? Với nhiều người đó là bồn rửa với những miếng kem đánh răng bám vào mặt bồn. Với những người khác có thể đó là lông thú cưng, hay mặt đảo bếp.
Hút bụi khu vực mọi người di chuyển nhiều nhất
Khu vực di mọi người di chuyển nhiều nhất có thể là thảm, khăn chùi chân ở cửa. Đây sẽ là khu vực bị bẩn nhiều nhất, nhưng lại không thể thiếu trong nhà, và cũng thường bị mọi người lãng quên việc cần phải làm sạch chúng.
Đồ điện tử
Những món đồ điện tử nhỏ như điều khiển, điện thoại di động và tai nghe thường là những món đồ "bẩn" nhất. Bạn nên duy trì việc làm sạch những món đồ này hàng ngày.
Quy tắc "2 phút"
Đôi khi, sẽ dễ dàng hơn nếu thực hiện một nhiệm vụ dọn dẹp và làm sạch thay vì chờ tới ngày mai. Nếu việc làm sạch này chỉ tốn mất 2 phút là có thể hoàn thành, vậy thì hãy làm ngay lập tức. Nhiều nhiệm vụ nhỏ có thể tích tụ thành một nhiệm vụ lớn và khiến bạn uể oải khi phải làm chúng sau này.

5 bí quyết giúp nhà sạch cả tháng chỉ với 20 phút dọn dẹp mỗi ngày

Điều nghe tưởng chừng quá khó khăn này lại có thể thực hiện một cách dễ dàng nếu bạn dành chút thời gian tham khảo và áp dụng cách làm để dọn dẹp trong bài viết dưới đây.

Có rất nhiều người than phiền rằng, họ đã mất cả buổi, thậm chí cả ngày để dọn dẹp. Điều khiến họ vừa mệt mỏi vừa bối rối khi đã dành quá nhiều thời gian cho việc dọn nhà nhưng căn nhà của họ vẫn không mấy khi sạch sẽ, thông thoáng. Bạn có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn này khi dành thời gian chăm sóc cho bản thân và chỉ cần đến 20 phút mỗi ngày là đủ có một tổ ấm gọn sạch tinh tươm.

1. Tạo góc lưu trữ cho từng khu vực
Điều đầu tiên bạn cần làm đó là thiết kế các góc lưu trữ phù hợp cho từng khu vực, vừa đảm bảo mọi đồ đạc được cất đúng nơi, đúng chỗ, nhà rộng hơn, gọn hơn và bạn cũng dễ tìm đồ hơn. Hãy tạo ngay thói quen cất đồ ngay sau khi sử dụng và khu vực lưu trữ phù hợp. Cách làm này cũng giúp bạn không mấy khi phải dọn dẹp đồ đạc vứt bừa bộn hàng ngày.
2. Dọn dẹp ngay sau khi nấu nướng
Trong thời gian chờ đợi món ăn chín thì bạn có thể dọn ngay những đồ dùng đã sử dụng cho việc nấu ăn thay vì lỉnh kỉnh dọn dẹp sau khi ăn, vừa mất thời gian vừa cảm thấy ngao ngán khi vừa ăn vừa nghĩ đến đống bát đũa, xoong nồi đang chờ bạn ở bồn rửa
3. Đầu tư cho các thiết bị làm sạch
Nếu nhà bạn chỉ có mình máy giặt, hay nghĩ đến việc chi tiền để mua thêm máy sấy. Thay vì bạn phải dành thời gian cho nhiều công đoạn thì đồ gia dụng sẽ giúp bạn khá nhiều việc. Bạn chỉ cần đi thẳng đến nơi sấy quần áo và lấy đồ cất vào trong ngăn kéo hoặc tủ đồ.
4. Luôn bật nhạc khi dọn dẹp
Sau mọi công việc hàng ngày, bạn sẽ dành thời gian để dọn dẹp lại căn nhà của mình. Hãy bật bản nhạc mà bạn yêu thích, vui nhộn hay nhẹ nhàng đều ảnh hưởng lớn đến cảm xúc giúp bạn hăng say và tập trung làm việc. Công việc sẽ được giải quyết nhanh hơn và tâm trạng của bạn cũng ổn hơn sau khi dọn dẹp.
5. Sắp xếp thứ tự công việc
Để bạn dọn việc này lại chồng lên việc kia, dọn không có định hướng và kế hoạch chắc chắn sẽ khiến bạn loay hoay và tốn nhiều thời gian. Hãy nhìn tổng quát một lượt và xác định những việc cần làm trước khi bắt tay vào dọn dẹp. Chỉ với 20 phút mỗi ngày như vậy, đủ để tổ ấm của bạn sạch đẹp hơn.
Gợi ý lượng công việc làm trong 30 ngày giúp nhà luôn sạch:
1. Làm sạch phòng khách và nhà bếp
2. Dọn dẹp phòng tắm (bồn tắm, sàn nhà, tường, gương)
3. Dọn sạch phòng ngủ
4. Dọn các khu vực khác như tầng hầm, phòng làm việc, phòng chơi của con.
5. Dọn phòng khách và bếp
6. Phòng tắm
7. Làm sạch các cửa sổ trang trí nội thất
8. Làm sạch cầu thang
9. Làm sạch phòng ngủ
10. Làm sạch phòng khách
11. Làm sạch phòng tắm
12. Lau sàn toàn bộ các phòng
13. Làm sạch “sâu” cho phòng ngủ
14. Làm sach phòng khách và nhà bếp
15. Làm sạch sâu phong tắm như thùng rác, cạnh gương, lau sàn, lau ngăn kéo
16. Làm sạch phòng khách và nhà bếp
17. Làm sạch phòng tắm
18. Làm sạch phòng ngủ
19. Làm sạch các phòng khác trong nhà
20. Giặt giũ các đồ vải trong nhà như ga trải giường, nệm sofa, vỏ gối tựa, khăn tắm…
21. Làm sạch phòng tắm
22. Làm sạch phòng ngủ
23. Làm sạch phòng khách và nhà bếp
24. Làm sạch sâu nhà bếp
25. Làm sạch bề mặt phòng tắm
26. Làm sạch bề mặt phòng ngủ
27. Lau dọn nhà bếp
28. Lau dọn các tầng
29. Làm sạch lối vào, nơi để xe
30. Làm sạch tủ lạnh, dọn dẹp đồ trong tủ.

Chỉ với 5.000 đồng, bà nội trợ có thể "đánh bay" các vết bẩn cứng đầu trong "một nốt nhạc"

Với những mẹo nhỏ đơn giản mà các bà nội trợ không ngờ tới, những vết bẩn trên nền gạch, nhà bếp, nhà tắm… sẽ biến mất nhanh chóng.

Dọn dẹp nhà cửa đối với các bà nội trợ luôn là điều nan giải vì các vết bẩn xuất hiện trên nền gạch và nhiều loại đồ vật rất khó để làm sạch. Những vết bẩn đó không chỉ làm mất mỹ quan cho ngôi nhà mà về lâu dài còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các viên trong gia đình bạn nữa.
Với những mẹo dọn dẹp nhà cửa sau đây, bạn sẽ nhanh chóng đánh bay các loại vết bẩn cứng đầu mà không hề tốn kém. Sau đây là một số công thức làm sạch những vật dụng hoặc sàn nhà đơn giản nhất mà bà nội trợ không nên bỏ qua.

Làm sạch sàn nhà
Cách 1: Hòa 15g axit xitric vào 1 ly nước ấm (khoảng 350ml) rồi thấm vào dẻ để lau sàn nhà. Sau đó, bạn chỉ cần dội lại sàn bằng nước sạch là được.
Cách 2: Cho giấm ăn vào bình xịt rồi xịt lên những bề mặt sàn cần làm sạch. Để khoảng 10 phút, bạn dùng khăn mềm lau lại cho thật sạch rồi giặt lại giẻ lau rồi làm sạch sàn một lần nữa.
Với hai công thức này, bạn có thể sử dụng để tẩy vế ố tên tường nhà vệ sinh, phần gạch ốp ở bếp nấu, đồng thời giúp khử trùng cho căn nhà bạn.
Vệ sinh máy giặt
Máy giặt cần được vệ sinh thường xuyên để không bị hỏng hóc và đảm bảo vệ sinh cho cả quần áo của cả gia đình. Các bà nội trợ có thể áp dụng các công thức sau đây:
Cách 1: Cho khoảng 60g axit xitric vào hộp chứa bột giặt và bật máy giặt ở nhiệt độ cao nhất để vệ sinh các vết bẩn bám ở nhiều vị trí của máy giặt.

Cách 2: Trộn đều 1/4 chén baking soda + 1/4 chén nước rồi cho vào hộp chứa bột giặt rồi cho 1 thìa canh giấm vào lồng máy giặt, bật máy ở chế độ thông thường trong 3 phút – 5 phút. Khi máy giặt chạy xong, bạn dùng bọt biển hoặc khăn mềm để lau máy giặt cho sạch và mở nắp cho máy giặt được khô lại.

Loại bỏ các vết dầu mỡ ở bếp

Khi vắt chanh xong, bạn chớ vội vứt ngay đi phần vỏ (mọt) quả chanh. Hãy giữ chúng lại để chà lên các vị trí thường bị bám dầu mỡ như lò vi sóng, bệ bếp ga. Sau 15 phút, bạn dùng khăn ẩm lau sạch những chỗ vừa chà chanh.
Sử dụng chanh để loại bỏ các vết dầu mỡ vừa hiệu quả lại vừa giúp bạn có thể loại bỏ các vi khuẩn, giúp căn bếp thơm tho hơn.
Ngoài ra, chà chanh vào lòng chảo, nồi khoảng 1 – 2 phút rồi đợi một lúc mới đem rửa lại sẽ giúp bạn làm sáng các đồ vật đó hơn. Khi nấu nướng, nhiều đồ ăn thường làm nồi, chảo mất màu, nhất là nồi bằng inox. Cách thức “rẻ bèo” này giúp các bà nội trợ luôn giữ được nồi niêu mới nhất, sạch nhất.

Làm sạch vết bẩn trên thảm

Thông thường, thảm trải sàn không chỉ có bụi mà còn có thể gặp những vết bẩn do bia, rượu, cà phê… hoặc đồ ăn rơi ra. Để loại bỏ vết ố trên thảm trải nhà, bạn có thể sử dụng những cách sau:
Cách 1: Hòa 1 muỗng glycerin trong một lít nước lạnh rồi xịt lên các vết bẩn, để khoảng 10 phút rồi đem thảm đi giặt.
Cách 2: Pha xà phòng giặt với nước ấm rồi chà lên thảm. Sau đó, bạn đem thảm đi giặt với hỗn hợp 1 muỗng canh giấm và 1 lít nước ấm, xả lại cho thật sạch là được
Với những cách vệ sinh các đồ vật trong nhà nêu trên, bạn có thể nhanh chóng đánh bay các loại vết bẩn cứng đầu rất nhanh chóng. Các nguyên liệu để làm sạch vô cùng quen thuộc và rẻ tiền nên các bà nội trợ có thể tiết kiệm một chi phí lớn và có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình mình.

6 giải pháp đơn giản để thông tắc bồn cầu mà không cần gọi thợ

Chẳng ai muốn bồn cầu trong nhà bị tắc cả. Nhưng nếu rơi vào trường hợp ấy, bạn sẽ giải quyết thế nào để thông tắc bồn cầu đây?

1. Dùng ống thụt
Đây là đồ dùng nhiều người thường chuẩn bị trong nhà để đối phó với trường hợp không may tắc cống. Cách dùng của ống thụt rất đơn giản, chỉ cần đặt phần cao su vào bồn cầu rồi dùng lực thụt nhiều lần là được. Quá trình thụt sẽ tạo ra áp suất và làm thông những vật cản đang bị tắc.
Ống thụt khá đa năng, ngoài bồn cầu còn có thể xử lý được tắc ống cống, tắc bồn rửa bát. Tuy nhiên món đồ này chỉ phù hợp với những trường hợp tắc nhẹ, còn nếu bồn cầu hay cống bị tắc nặng, mắc vật cứng thì không xử lý được. Dù vậy, đây vẫn là món đồ đa năng, nên chuẩn bị trong nhà.
2. Dùng băng dính hoặc miếng dán bồn cầu
Một trong những cách thông bồn cầu rẻ tiền lại dễ thực hiện chính là dùng dùng băng dính hoặc miếng dán bồn cầu. Cách áp dụng phương pháp này là dán băng dính to bản hoặc miếng dán kín mặt bồn cầu, đảm bảo bề mặt bồn cầu hoàn toàn kín, không có kẽ hở. 
Kế đó xả nước, đồng thời dùng tay ấn vào bề mặt để tạo áp lực, giúp thông vật cản trong ống bồn cầu. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng cách làm này dựa vào nguyên lý tạo chênh lệch về áp suất và lực hút nên hiệu quả rất cao.
Trước khi dán băng dính, bạn nên lau khô miệng bồn cầu để chắc chắn băng dính không bị bung ra trong quá trình tác động lực. Đồng thời nên dùng băng dính trong để dễ quan sát thao tác. Ngoài ra nếu bồn cầu đang có vật cản như rất nhiều giấy vệ sinh, hãy "dũng cảm" lấy chúng ra để tăng thêm hiệu quả. Thậm chí nếu cảm thấy nguy cơ tắc nặng, bạn có thể ngâm thêm bột thông cống trước khi dùng băng dính thông.
3. Dùng Coca Cola
Bạn có biết rằng, ngoài là món giải khát phổ biến, Coca Cola còn có thể dùng để xử lý bồn cầu tắc ở dạng nhẹ không? Bạn đừng bất ngờ, vì trong thành phần loại nước giải khát này có nhiều chất axit như malic, tartric, citric, phosphoric. Những hoạt chất này tất nhiên có hiệu quả tốt với những trường hợp tắc do giấy hay đồ ăn. Chỉ cần đổ một vài chai Coca vào bồn cầu, đợi khoảng 2, 3 tiếng rồi giật nước là bồn cầu đã thoát khỏi cảnh bị tắc rồi!
4. Dùng baking soda, dấm 
Nếu bạn chưa biết thì baking soda và giấm chính là thứ phụ gia thuộc hàng vừa rẻ, vừa đa năng. Nếu bồn cầu không may bị tắc, bạn hoàn toàn có thể dùng baking soda và giấm để xử lý đó. Đầu tiên, hãy đổ nước nóng khoảng 70 độ C vào bồn cầu, kế đó đổ tiếp 2 cốc baking soda và 1 cốc giấm rồi ngâm vài tiếng hoặc tốt nhất là qua đêm.
Cuối cùng chỉ cần giật nước là bồn cầu đã hết tắc rồi. Nhưng tất nhiên, cách này cũng chỉ xử lý được trường hợp tắc nhẹ, tắc do các vật mềm như giấy ăn, thực phẩm chứ không thể giải quyết được trường hợp tắc do vật cứng.
5. Dùng bột thông cống
Trên thị trường hiện bán rất nhiều loại bột thông cống với những hoạt chất giúp làm tan giấy, cặn bẩn hay búi rác hữu cơ khá nhanh. Bạn chỉ cần mua chúng về, đồ vào bồn, ngâm qua đêm rồi sáng ra xả nước là được. Để tăng cường hiệu quả, có thể đổ nước nóng vào bồn trước khi đổ bột thông cống. Tuy nhiên bột thông cống chỉ giải quyết được tình trạng tắc nhẹ mà thôi.
6. Dùng thanh thép đầu cong có lò xo
Với những trường hợp bồn cầu tắc vật cứng, bạn sẽ cần đến trợ thủ mạnh mẽ hơn, như một thanh thép cứng chẳn hạn. Để phù hợp với kích thước và hình dạng bồn cầu, thanh thép này nên có đầu cong và có lò xo bên trong để tạo lực đẩy, giúp đẩy những vật cản bị tắc trong bồn cầu.

​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​11 cách làm sạch thông minh cho những nơi khó nhằn nhất trong nhà

Những nơi khó nhằn nhất trong nhà như khe cửa sổ, cửa sổ chớp đều rất khó tiếp cận, nhưng những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn có thể dễ dàng làm sạch bong những khu vực này mà không gặp chút khó khăn nào.

Giữ những nơi khó chạm tới sạch sẽ và không bắt bụi là một việc khó như tìm đường lên trời vậy. Tuy nhiên, chẳng có khó khăn nào không có cách giải quyết cả. Một vài mẹo hiệu quả nhất dưới đây có thể giúp bạn làm sạch mọi ngóc ngách nhất có thể và bất chấp tất cả những chỗ khó nhằn nhất.

 
1. Làm sạch cửa chớp
Một cách để làm sạch những thanh chớp của cửa sổ là sử dụng những chiếc dây chun để cuộn một miếng vải ẩm xung quanh một chiếc kẹp. Dùng chiếc kẹp này kẹp vào từng thanh chớp, sau đó di chuyển từ đầu này sang đầu kia, bạn sẽ thấy những bụi bẩn bám ở thanh chớp của cửa sổ biến mất một cách nhẹ nhàng.
 
2. Hút bụi khung cửa sổ
Một cách tuyệt vời để làm sạch khung cửa sổ nhà bạn – đặc biệt là những cửa sổ hay cửa kính có dạng trượt là hãy dùng lõi cuộn giấy vệ sinh làm ống nối tiếp với miệng của ống hút bụi. Lõi giấy vệ sinh được thu hẹp sẽ dễ dàng luồn vào thanh trượt của cửa và bất kỳ góc nào.

3. Nệm
Rắc baking soda lên trên mặt nệm cho tới khi có một lớp mỏng. Chờ khoảng 10 phút, sau đó bạn dùng máy hút bụi hút hết baking soda đi. Nệm lại sạch và thơm tho rồi nhé.
 
4. Vòi nước
Một chiếc bàn chải đánh răng cũ, bột baking soda. Rắc baking soda lên vòi nước, dùng bàn chải chà đi chà lại, để vài phút, sau đó xả lại nước vào vòi, bạn sẽ thấy vòi nước sáng bóng trở lại.
 
5. Giá gài dao
 
Đổ đầy một bồn hoặc một chậu nước với nước xà bông ấm, ngâm giá gài dao vào đó. Để khoảng 10 phút, sau đó dùng miếng bọt biển để lau lại.
 
6. Chụp đèn
Để chụp đèn bằng vải của bạn hết bụi, hãy dùng con lăn lông xơ bắt dính mà bạn thường dùng để loại bỏ lông thú cưng khỏi quần áo, ghế sofa để lăn lên chụp đèn. Hoặc nếu không, bạn có thể cuộn băng dính vào bàn tay sao cho mặt dính ra bên ngoài, dùng mặt dính này để dính hết bụi bẩn ở chụp đèn.
 
7. Cửa kính phòng tắm
Trộn nước cốt chanh và baking soda và bôi hỗn hợp này lên khu vực bẩn, để khoảng 5 phút, sau đó chà lại bằng một chiếc bàn chải cứng. Bạn sẽ thấy điều "kỳ diệu" xuất hiện.
 
8. Vòi sen
Trộn 1/3 chén baking soda với một chén dấm. Đổ đầy vào một túi nylon với hỗn hợp trên, sau đó cho vòi hoa sen vào trong túi, buộc kín. Để khoảng 2-3 giờ, sau đó để vòi sen dưới vòi nước và xả sạch.
 
9. Lỗ thông hơi của điều hoà
 
Cuộn một chiếc khăn ẩm vào đầu một con dao, di chuyển con dao theo chiều của lỗ thông hơi. Kết quả đạt được sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
 
10. Rèm phòng tắm
Làm sạch rèm phòng tắm của bạn trong máy giặt là một cách nhanh và dễ dàng để nó trông như mới trở lại. Nhưng đừng quên bọc rèm của bạn bằng một vài chiếc khăn để nó không bị hỏng.
 
11. Vết bẩn trên vải sơn lót sàn
Bạn có thể dùng một cục tẩy bút chì thông thường để làm sạch dễ dàng những vết bẩn bám trên vải sơn lót sàn nhà bạn.

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

GIỌT NƯỚC MẮT ĐẮNG CAY CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ GIÚP VIỆC CHO NHÀ ĐẠI GIA

Những tưởng may mắn vì được nhận vào làm ở một gia đình khá giả, nhưng hóa ra đó là tháng ngày chị Mai chịu tủi nhục đủ đường. Không chỉ bị “tra tấn” bởi những lời miệt thị, chị còn thường xuyên phải ăn đồ thừa và bị cấm không được động đến các đồ dùng đắt tiền…

Đã 10 năm kể từ ngày chị Ngô Phương Mai (47 tuổi, Thanh Hóa) quyết định rời xa vùng quê nghèo khó, cằn cỗi lên Hà Nội kiếm sống. Nhà có mảnh ruộng con con nhưng quanh năm mất mùa. Chồng chị đau yếu, bệnh tật liên miên, 2 con lại đang tuổi ăn, tuổi lớn nên mọi khoản chi tiêu dồn hết lên đôi vai của người phụ nữ tội nghiệp.
Ban đầu, chị Mai xin đi phụ hồ. Nhưng chỉ được một thời gian thì đau nhức khắp người, sức khỏe yếu đi thấy rõ. Đang lúc bế tắc, chị may mắn được nhận vào làm giúp việc cho một gia đình khá giả ở khu vực quận Cầu Giấy.

Chị vẫn chưa thể quên được cảm giác choáng ngợp trong ngày đầu đến nhận việc: “Căn biệt thự rộng quá mức so với tưởng tượng của tôi. Cánh cổng sắt chạm trổ rồng phượng, to đến độ chỉ nhìn thôi đã có cảm giác nghẹt thở. Chưa kịp định thần, 2 con chó to đùng xồ ra làm tôi hoảng hốt suýt bỏ chạy”.
“Vào đến nhà, đập vào mắt là khung cảnh xa hoa, tráng lệ. Nào là trần nhà cao vút, nào là đồ đạc bóng loáng và đầy đủ tiện nghi. Thấy ông bà chủ đón tiếp niềm nở, hỏi han đủ chuyện, tôi cũng thấy an tâm phần nào, tự nhủ phải cố gắng làm việc thật tốt, biết đâu cuộc sống gia đình sẽ bớt vất vả hơn”, chị Mai tâm sự.
Nhưng ngay ngày hôm sau, mọi viễn cảnh tươi đẹp chị tưởng tượng ra nhanh chóng sụp đổ. Bất kể chị làm gì, bà chủ cũng đi theo xét nét, chỉ đạo rồi buông lời chê bai thậm tệ. Tuy đã được hướng dẫn sử dụng máy giặt, máy hút bụi,… nhưng chị chưa thể quen ngay. Thấy chị đứng loay hoay, bà chủ nguýt dài rồi bóng gió nói chị nhà quê, lạc hậu. Thế rồi như sợ đồ đạc đắt tiền hỏng hóc, bà chủ ra lệnh cấm chị động vào chúng.
Biết phận làm thuê, người phụ nữ tội nghiệp chỉ dám chịu đựng, nhẫn nhịn. Nhưng càng ngày, những lời miệt thị càng nhiều và nặng nề hơn. “Ngay tuần đầu tiên, đêm nào tôi cũng nằm khóc đến ướt gối. Rồi lắm lúc kìm chế không được thì bật khóc nức nở trước mặt tất cả các thành viên gia đình. Ấy vậy mà chẳng có một lời an ủi, chia sẻ, chỉ nghe thấy tiếng cười khúc khích của đám trẻ con”, chị nghẹn ngào nhớ lại.
Cả căn biệt thự rộng hàng ngàn m2, ngày nào chị Mai cũng bị bắt phải lau dọn 2 lần bằng giẻ, không được sử dụng cây lau nhà hay máy hút bụi. Quần áo mặc nhà của 5 người thì cho vào máy giặt, nhưng quần áo mặc ra ngoài bắt buộc giặt bằng tay. Thêm vào đó, chị phải học cách ghi nhớ áo nào treo, áo nào gấp hay bộ đồ nào không dùng bàn là…
Chị Mai phải làm mọi việc trong nhà mà vẫn thường xuyên bị trách mắng. (Ảnh minh họa)
Dù chăm sóc em bé không phải công việc chính, nhưng con gái bà chủ thường xuyên nhờ chị Mai pha sữa cho con. Nếu có lỡ tay pha đặc, pha loãng hay để sữa quá nóng, chị lại bị mắng như tát nước vào mặt. Trước khi bé ăn, chị có nhiệm vụ phải tắm cho bé thật sạch sẽ. Mỗi lần tắm là một lần thay đồ và cần giặt ngay lập tức.
Nhưng đó chưa phải tất cả. Đến bữa, người giúp việc luôn bị bắt ăn sau cùng. “Hôm nào cũng có món Tàu, món Tây do đầu bếp riêng đến chế biến. Nhưng khi cả nhà ăn xong, có gì ngon lành thì họ đem cất vào tủ lạnh, cái gì không hợp khẩu vị hay thừa mứa còn lại, y như rằng sẽ để nguyên ở mâm.
Khổ nỗi, những món ăn kia có mấy khi được dùng lại. Vài ngày sau, bà chủ lại đem đổ cả vào thùng rác. Nhiều lúc chạnh lòng nghĩ tới lũ trẻ ở nhà, nếu có đĩa thịt xào hay bát canh sườn mà ăn, đó sẽ là bữa ngon nhất trong cuộc đời chúng”, chị Mai tâm sự.
Quá quắt hơn, có những lần cả gia đình chủ đi dã ngoại, bà chủ mua sẵn 6 bìa đậu phụ để trong tủ lạnh và dặn đó là thức ăn của chị trong 2 ngày. Còn hoa quả, chị chỉ có nhiệm vụ gọt chứ tuyệt đối không được động đến một miếng.
Kể về những tháng ngày tủi cực, thi thoảng chị vẫn phải ngừng lại vì quá xúc động. Chị Mai tiết lộ thêm, tuy làm việc vất vả mà còn bị đè nén về tinh thần, nhưng mức lương chị nhận được chỉ có 6 triệu đồng/ tháng. Gắng gượng được 5 tháng, chị lẳng lặng thu dọn đồ đạc rồi xin phép nghỉ việc.
“Đi giúp việc thế này tôi chỉ bàn bạc bí mật với chồng con, nào đâu dám nói cho người làng biết. Tôi sợ họ khinh rẻ, coi thường rồi lại nghĩ xấu nọ kia. Ấy vậy mà đi làm cũng cực đủ đường. Sau đó, cũng may mắn là gặp được gia đình chủ tốt hơn, họ thông cảm và chia sẻ với mình nhiều, nhờ vậy mà các con ở nhà cũng đỡ khổ”, chị Mai tâm sự.